Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2011

Lạ lùng ngôi chùa không có Phật

Chùa Cầu gắn liền với truyền thuyết về Con Cù (mamazu) - một loại thuỷ quái có đầu nằm ở Ấn Độ, mình ở Việt Nam và phần đuôi ở tận Nhật Bản...

Chùa Cầu nhìn từ phía bờ sông Hoài


Chùa Cầu - tên gọi chung cho tổ hợp kiến trúc gồm ngôi chùa nhỏ gắn kết vào sườn phía Bắc cây cầu cổ trong khu đô thị cổ Hội An (nay là thành phố Hội An), thuộc tỉnh Quảng Nam. Cùng với Cầu Ngói Phát Diệm (Ninh Bình), Cầu Ngói Thanh Toàn (Thừa Thiên-Huế), Chùa Cầu Hội An là một trong 3 cây cầu lợp ngói ở Việt Nam, được nhiều du khách biết đến.
Chiếc cầu dài 18m với bảy gian bằng gỗ, vắt cong qua lạch nước chảy ra sông Hoài (một nhánh sông Thu Bồn) nối giữa hai đường Nguyễn Thị Minh Khai và Trần Phú của thành phố Hội An. Cầu có dáng uốn cong mềm mại, nhiều họa tiết đẹp. Cầu và chùa đều bằng gỗ sơn son chạm trổ rất công phu. Mặt chùa quay về phía bờ sông, mái chùa lợp ngói âm dương che kín cả cây cầu.
Chùa Cầu là công trình kiến trúc do các thương gia Nhật Bản đến buôn bán tại Hội An xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ 17. Cây cầu còn có các tên khác là cầu Nhật Bản hay cầu Lai Viễn do chúa Nguyễn Phúc Chu thăm Hội An năm 1719 đặt tên, với hàm ý sẵn lòng đón đợi bạn phương xa đến.

Lai lịch của Chùa Cầu gắn liền với truyền thuyết về Con Cù (mamazu) - một loại thuỷ quái có đầu nằm ở Ấn Độ, mình ở Việt Nam và phần đuôi ở tận Nhật Bản. Cứ mỗi lần Con Cù cựa quậy là gây ra lũ lụt, động đất... Chùa Cầu được coi như một thanh kiếm chằn ngang lưng Con Cù, “trấn yểm” loài thuỷ quái, giữ cho cuộc sống yên bình.

Con phố nhỏ an lành dẫn tới chùa cầu


Tuy gọi là chùa nhưng bên trong không có tượng Phật. Phần gian chính giữa thờ một tượng gỗ Bắc Đế Trấn Võ - vị thần bảo hộ xứ sở, ban niềm vui hạnh phúc cho con người.
Với người dân phố Hội, Chùa Cầu là linh hồn, là biểu tượng tồn tại hơn bốn thế kỷ qua. Chùa Cầu đã trải qua ít nhất 6 lần trùng tu song vẫn giữ được nét cổ kính nguyên thủy của nó. Chùa Cầu được công nhận là Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia năm 1990 và hình ảnh Chùa Cầu có trên tờ tiền polymer 20.000 đồng của Việt Nam hôm nay.
Nơi đây mãi là điểm đến không thể thiếu trong tour du lịch Đà Nẵng - Hội An. Khách du lịch đến Hội An mà chưa ghé thăm Chùa Cầu thì coi như chưa đến. Đến rồi thì lưu luyến nhớ thương: “Ai đi phố Hội, Chùa Cầu/Để thương để nhớ để sầu cho ai/Để sầu cho khách vãng lai/Để thương để nhớ cho ai chịu sầu…
Hội An - phố Hội là một thành phố thuộc tỉnh Quảng Nam có nhiều phố cổ được xây từ thế kỷ 16 và tồn tại gần như nguyên vẹn đến nay. Bên dòng sông Hoài thơ mộng, đô thị cổ Hội An đã một thời (thế kỷ 17-18) là nơi chứng kiến nhiều cuộc giao thoa văn hóa lớn trong lịch sử dân tộc Việt Nam, một trung tâm giao thương có thể sánh với Kinh kỳ (Hà Nội) và Phố Hiến (Hưng Yên).
Phố cổ Hội An được công nhận là Di sản thế giới UNESCO năm 1999, là một trong những điểm du lịch nổi tiếng không chỉ với du khách trong nước. Nơi đây có Chùa Cầu - một công trình kiến trúc độc đáo với những truyền thuyết khó quên…

Thông tin từ trang: http://baodatviet.vn/Home/congdongviet/La-lung-ngoi-chua-khong-co-Phat/20118/160610.datviet

Thứ Ba, 9 tháng 8, 2011

Biên Hòa dấu yêu!

Bờ sông Đồng Nai (Ảnh của Vietnam - Paracels, trên Panoramio)   

Đặt chân lên Biên Hòa chỉ hơn một năm, tôi cũng không biết mình gắn bó với Biên Hòa từ bao giờ. Bất chợt gặp đôi mắt lạ đang nhìn mình cũng gật đầu cười thân thuộc. Giật mình bỗng thấy sao từng con phố, hàng cây, từng góc quán nhỏ, từng khuôn mặt kia bỗng trở nên thân thiết từ lúc nào. 

Biên Hòa có cái hối hả của người đô thị nhưng không quá ồn ào, tấp nập như thành phố Hồ Chí Minh, cũng không dịu dàng, thướt tha như phố Huế. Vẫn còn nhiều khoảng lặng cho ai đó muốn tìm không gian yên ả để lắng nghe tiếng của con tim mình. Bạn tôi rủ đi uống cà phê. “Ra bờ sông nhé”! Dường như đó là câu trả lời không mấy khi thay đổi. Cái thú ngồi bên dòng Đồng Nai nhâm nhi tách cà phê sữa đá, nghe gió vi vu, nghe sóng dặt dìu đuổi theo tiếng đàn ghi ta, hàn huyên với bạn bè đủ thứ chuyện trên trời dưới biển thấm vào tôi từ lúc nào không biết. Đêm! Thỉnh thoảng có vài chiếc thuyền thả câu ẩn hiện dưới phía chân cầu Ghềnh lung linh sắc màu… cảm giác thư thái đến lạ!

Mấy ngày này Biên Hòa trời bất chợt nắng, bất chợt mưa. Cơn mưa không lất phất, dầm dề như ở miền Huế thương, không mưa ngâu rả rích như ở Hà Nội thanh lịch mà chợt đến chợt đi như thiếu nữ giận hờn, nhõng nhẽo người yêu để được yêu thương, chiều chuộng. Đến cái mưa, cái nắng cũng vội vã như con người vậy. Nói vội là vội vậy thôi, nhưng cũng kịp gieo rắc vào lòng người những vấn vương, thương nhớ. Bạn tôi từ miền Trung vào chơi nói với tôi như để nịnh lòng, không khéo anh chuyển vào đây vì cái nắng, cái mưa, cái tình người của Biên Hòa mất thôi!... Hôm tan sở, trời mưa theo từng đoạn đường. Mọi người trên đường đi làm về không mang theo áo mưa đứng đợi và cứ nhích dần lên từng đoạn một như đang đuổi theo mưa. Trông sao mà ngộ nghĩnh quá! Ở bên này đèn đỏ trời không mưa nhưng ở phía bên kia bong bóng nổi lên mặt đường nhảy nhót - trời mưa xối xả. Mọi người nhìn nhau cười. Lạ quá! Tôi thích thú vì cái tinh nghịch của đất trời để rồi chạy thật nhanh về nhà reo lên: Chị ơi, Trời Biên Hòa đáng yêu quá!

Tối nay lòng bỗng thấy chông chênh. Loanh quanh theo những con đường đầy hoa tím thủy chung, cảm giác dịu ngọt lan tỏa tận đáy lòng. Biên Hòa là thế! Cái ân nghĩa đánh thức tâm hồn bay bổng của của một kẻ yêu thơ đã bị lãng quên từ lâu lắm đối với tôi, chắc Biên Hòa không ngờ tới! Tôi lại nhớ đến hai câu thơ của nhà thơ Chế Lan Viên: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”. Nhưng có lẽ Biên Hòa là tâm hồn của tôi không phải đợi đến lúc tôi ra đi, hình như nó đã hóa thành tâm hồn của tôi ngay cả khi tôi đang hít thở không khí ở đây mỗi ngày! 

Biên Hòa tháng sáu, đất trời đầy sắc màu để nhớ, để thương để níu giữ lòng người đến lạ!

Tố Nga

http://www.baodongnai.com.vn/vanhoa/201107/Bien-Hoa-dau-yeu-2078945/ 

Công viên Biên Hùng

hình cong vien bien hung của t_design, trên flickr
Đầu thập kỷ 80 của thế kỷ 20 Thành ủy, UBND thành phố chú trọng đầu tư công viên Biên Hùng, nằm ở khuôn viên Công an thành phố và hồ nước trực thuộc khu phố 3 phường Trung Dũng. Cải tạo hoàn chỉnh và mở rộng khu A bao gồm:
Công viên.
  • Nhà thủy tạ.
  • Sân khấu ngoài trời.
Giai đoạn 1996-2000: Nạo vét hồ, kè xung quanh hồ và ngăn không cho nước ở sân bay Biên Hòa chảy vào hồ.
Giai đoạn 2001-2005: Cải tạo nâng cấp quy mô công viên.
Công viên Biên Hùng được thành lập với mục đích đưa đến cho nhân dân một nơi nghỉ ngơi giải trí lý tưởng và sân chơi văn hoá lành mạnh của người dân thành phố Biên Hòa nói riêng và tỉnh Đồng Nai nói chung.
Nằm bên một dải hồ thơ mộng, với những sắc màu rực rỡ sôi động của các trò vui chơi giải trí hiện đại, các chương trình nghệ thuật phong phú như chiếu phim màn ảnh nước, văn nghệ, Công viên Biên Hùng thực sự đem lại cảm giác vui vẻ và thoải mái sau những ngày lao động và học tập căng thẳng.

hình DSCN0170 của terrytran99 trên flickr


Công viên Biên Hùng một trong các điểm vui chơi giải trí, đặc biệt là cho các cháu thiếu nhi. Từ khi hoàn thành đưa vào sử dụng công viên đã trở thành nơi dạo mát, tập thể dục lý tưởng cho nhân dân. Ban ngày có các bạn học sinh, sinh viên đến học bài, đọc sách, các cụ ông sau giờ tập thể dục lại say sưa bên bàn cờ tướng. 
Chiều xuống thêm phần đông vui, hầu như những dãy ghế đá được bố trí trong công viên đều không còn chỗ. Những ngày lễ, công viên Biên Hùng trở thành nơi tụ hội không chỉ của người dân Biên Hòa mà khách các tỉnh lân cận cũng ghé qua. Đặc biệt, đường ven công viên được bố trí chợ đêm với nhiều mặt hàng và món ăn truyền thống đã đem đến cho quá khách tham quan một hương vị vùng quê dân dã.
Về phát triển lâu dài, công viên Biên Hùng đã có những chiến lược phát triển và kinh doanh mới bao gồm cả sự đầu tư về cơ sở vật chất và con người. Với kế hoạch đầu tư dài hạn trong thời gian tới, cùng chiến lược liên doanh, liên kết, và mục tiêu biến công viên thành nơi giải trí liên hoàn bao gồm vui chơi, ăn uống, mua sắm, công viên Biên Hùng sẽ chuyển mình mang một hình ảnh hoàn toàn mới, luôn giữ vững hình ảnh về một công viên giải trí của thành phố Biên Hòa.    

Thông tin lấy từ bienhoa.gov.vn